Những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói:
Nguyên nhân làm trẻ chậm nói được xếp thành 2 nhóm chính là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy (não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não...).
Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hoặc quá bận rộn bỏ bê không nói chuyện nhiều với trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Những dấu hiệu cảnh báo bé có vấn đề với ngôn ngữ:
Giai đoạn từ lúc sơ sinh đến khi bé 2 tuổi
Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
Không cười tự phát lúc 6 tháng.
Không bập bẹ lúc 8 tháng.
Không sử dụng điệu bộ, cử chí, chẳng hạn vẫy tay tạm biệt khi được 12 tháng tuổi
Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi
Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi
Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản
Giai đoạn 2-3 tuổi:
Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu
Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản
Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé).
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cha mẹ tại gia đình, hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.