Các nhà giáo dục khẳng định rằng, cha mẹ nên kiên trì sửa tật nói ngọng cho bé càng sớm càng tốt, nếu không, nó sẽ trở thành “bệnh kinh niên” ngay cả khi bé đã trưởng thành.
Nguyên nhân
Bé nói ngọng có thể do sự phát triển thể chất chưa toàn diện. Lên 2 tuổi, một số bé có thể nói rất nhiều từ, rõ nghĩa trong khi một số bé khác nói chậm hơn. Các bé trai cũng có xu hướng nói kém hơn các bé gái.
Bé quá nhút nhát: Mới đầu, bé có thể nói sai một vài từ nhưng bị cả nhà cười chê nên những lần giao tiếp sau, bé trở nên rụt rè và càng dễ bị ngọng hơn.
Bé bắt chước: Một người thân trong nhà hoặc các bạn ở lớp mẫu giáo thường nói ngọng nên bé cũng bị ảnh hưởng theo.
Yếu tố bệnh lý: Bé bị vướng dây chằng ở lưỡi (lưỡi bé không thể thè thẳng ra như bình thường được). Ngoài ra, các chứng bệnh như viêm họng, sưng lợi, tắc mũi… cũng gây cản trở bé phát âm.
Cách giúp bé chữa tật nói ngọng
Nếu trẻ nói ngọng nhiều, bạn không đủ sức bảo vệ con khỏi những lời trêu chọc của chúng bạn thì bạn hãy giúp trẻ chống lại tật nói ngọng. Cũng nên hỏi bác sĩ của trẻ, hay nha sĩ, xem hàm, họng, răng trẻ có vấn đề gì không.
- Ðừng để con bạn cho tay vào miệng, vì bú tay có thể góp phần tạo nên tật nói ngọng dù không dễ dàng gì giúp trẻ bỏ tật mút tay. Hãy nhằm vào những lúc trẻ thích mút tay nhất, như khi xem tivi hoặc ngồi trên xe, và đưa trẻ cầm một món đồ chơi trẻ thích nhất.
- Giữ cho bé tâm trạng bình tĩnh khi nói: Bạn nên để cho bé được diễn đạt hết ý, không nên cắt lời bé. Làm như vậy, bé sẽ sợ mình nói sai và càng dễ mắc lỗi hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên để cho bé nhiều cơ hội được trò chuyện hàng ngày. Nói chuyện với bạn không chỉ giúp bé tăng vốn từ vựng mà bạn cũng biết bé thường phát âm sai những cụm từ nào để kịp thời uốn nắn.
- Dạy bé hát: Quá trình bé bắt chước theo ngôn từ, giai điệu của bài hát sẽ giúp bé biết cách phát âm đặc biệt hiệu quả. Bạn có thể chọn những bài hát đơn giản, hướng dẫn bé học thuộc từng đoạn nhỏ rồi ghép các đoạn lại với nhau. Nếu bé nói ngọng phần nào, bạn có thể lặp đi lặp lại phần đó nhiều lần để bé ghi nhớ và làm theo.
- Cho bé nói trước gương: Bạn làm mẫu phát âm thật chậm, rõ ràng một số cụm từ như “Con muốn ăn cơm”, “Con thích uống sữa”… và hướng dẫn bé làm theo. Bé cũng có thể dễ dàng bắt chước cử động miệng của bạn trong gương.
- Trường hợp bé nhút nhát, bạn nên tăng cường các hoạt động giao tiếp hàng ngày với bé, đặc biệt ở chỗ đông người. Các bé có xu hướng hoạt bát, nhanh miệng hơn trong môi trường gia đình, người thân và trở nên lúng túng, ngượng nghịu khi đứng trước người lạ.
- Bạn tuyệt đối không nên nhại lại giọng nói ngọng của bé, dù chỉ là trêu đùa cho vui. Làm như vậy, bé sẽ không ý thức được việc mình cần phải phát âm chuẩn hơn hoặc bé thấy bạn thích thú nên càng cố nói ngọng.
- Bạn có thể hướng dẫn bé các bài luyện tập cơ miệng vào buổi sáng, lúc bạn cùng tập thể dục với bé như: Há miệng to và cùng nói “A, O, U, I”. Lặp lại từ 5 đến 7 lần. Bạn có thể đổi sang cụm 4 chữ cái khác và hành động tương tự.
- Nếu nguyên nhân bé nói ngọng xuất phát từ yếu tố vướng dây chằng lưỡi, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Hàng ngày, bạn có thể đố bé xem, trong nhà mình có những đồ vật nào bằng chữ “C”, những loại quả nào bắt đầu bằng chữ “N”… hoặc gợi ý để bé đố lại bạn. Hoạt động này giúp bé phân tích và nhận biết chính xác những cụm từ thông dụng.
- Bạn cũng có thể bỏ một ống hút vào ly đồ uống của trẻ, vì trẻ sẽ dùng môi thay vì dồn áp lực vào răng. Phương pháp này thúc đẩy sức điều khiển tiếng nói, điều này rất quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ.
nguồn từ www.chuanoingong.vn