•  Trang chủ
  •  |  Tư vấn hỏi đáp
  • Dưới đây là một số câu hỏi tiêu biểu mà phụ huynh thường hay thắc mắc, phân vân
    1. Phụ huynh hỏiCon trai tôi được 28 tháng tuổi.Cháu phát triển bình thường cho đến khi 24 tháng tuôi. Khi đó gia đình tôi cho cháu đi học mầm non. Sau một tuần học, các cô giáo nói  cháu không tuân theo hướng dẫn, thường xuyên tự ý ra khỏi chỗ và làm theo ý mình. Khi các cô tỏ ra nghiêm khắc và có người ngồi cạnh quản lý thì cháu ngồi ngoan. Sau 3 tháng đi học tôi nhận thấy con tôi về nhà nét mặt không biểu hiện cảm xúc, không để ý và quan tâm đến cảm xúc của người khác hay khi được người khác khen, nựng yêu cũng không thể hiện vui hoặc trìu mến; mọi người hỏi chuyện thì thường lơ đi, đặc biệt xuất hiện rất nhiều hành vi lạ như: Soi gương nói hoặc cười một mình những âm vô nghĩa hoặc không đúng hoàn cảnh, thường xuyên xoay tròn người, chạy lao về phía trước không biết nguy hiểm, ngắm tay hoặc so 2 tay,…Ở lớp khi các bạn đang chơi thì thường chơi một mình một kiểu, thỉnh thoảng lại ra sờ đầu bạn hoặc đẩy bạn, ôm mặt bạn nghiến răng nhìn chằm chằm. Tôi thực sự rất lo cháu bị tự kỷ? Liệu rằng do đi lớp bị các cô rèn cháu nghiêm khăc quá hay do gia đình tôi đã chủ quan không chơi với cháu thường xuyên từ khi đi mầm non nên cháu mới bị như vậy? 
     

    Trả lời : Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời của trẻ em với những biểu hiện đặc trưng ở các lĩnh vực: kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi.

    Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như di truyền, bất thường não bộ, tai biến sản khoa, ô nhiễm môi trường…Tuy nhiên, chúng vẫn đang được nghiên cứu và gây ra nhiều tranh cãi. Còn các yếu tố tâm lý xã hội bất lợi như gia đình ít quan tâm tới trẻ, cho trẻ xem tivi quá nhiều hay trẻ ít có điều kiện được tương tác xã hội …không phải là nguyên nhân gây tự kỷ mà chỉ là những yếu tố thuận lợi làm cho các dấu hiệu của hội chứng tự kỷ nặng lên.

    Các triệu chứng tự kỷ thường bộc lộ rõ từ 18 tháng tuổi, nhưng thực ra nếu tinh ý, trong nhiều trường hợp, các bà mẹ có thể phát hiện những bất ổn của con mình sớm hơn nhiều.

    Với các biểu hiện bất thường về hành vi (Soi gương nói và cười một mình những âm từ vô nghĩa, không đúng hoàn cảnh; ngắm tay; chạy lao về phía trước không biết sợ nguy hiểm) và ngôn ngữ rập khuôn; mất đi sự quan tâm và đáp ứng cảm xúc xã hội không phù hợp của con chị, chị nên đưa cháu đi khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán xem con chị có bị tự kỷ hay không. Các chuyên gia cũng giúp anh chị hiểu hơn về bệnh tự kỷ và có chương trình điều trị cho cháu. Trẻ tự kỷ nếu được can thiệp trước 3 tuổi thì cơ hội hoà nhập sẽ cao hơn.

    Nguyên nhân tự kỷ vẫn còn nhiều tranh luận cho nên thay vào việc đổ lỗi hay quy gán trách nhiệm cho ai chị cần tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn để có phương hướng can thiệp phù hợp cho trẻ. Việc đưa ra một chẩn đoán là có tự kỷ hay không tự kỷ đôi khi không quan trọng bằng việc chúng ta nhận ra được khó khăn của trẻ và những ưu điểm của trẻ để từ đó có những hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

    2. Phụ huynh hỏi:  Con trai tôi hiện nay 17 tháng tuổi, cháu có các biểu hiện như: chưa nói được rõ một từ nào, thích xem quảng cáo trên tivi, chơi đồ chơi nào có thể xoay tròn, gọi tên ít có phản ứng, nhưng hỏi đồ vật đâu, hay người thân đâu thì chỉ tay rất đúng, thích chơi với trẻ con cùng tuổi nhưng 1 hoặc 2 trẻ thôi, nếu nhiều hơn thì sợ. Tôi đang nghi ngờ cháu bị bệnh tự kỷ. Mong trung tâm chẩn đoán và tư vấn sớm để tôi biết cách điều trị kịp thời cho cháu. Xin chân thành cảm ơn!

     Trả lời : Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não với những đặc trưng là suy giảm khả năng hòa nhập xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp, có những hành vi lặp lại và những quan tâm mang tính hạn hẹp.
     
    - Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội là: Không cười với người khác, ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác, sống rất độc lập, tự lấy các đồ vật hoặc biết làm những việc sớm trước tuổi.
     
    - Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng giao tiếp là: Không có phản ứng khi được gọi tên, chậm biết nói (không nói bi bô khi lên 12 tháng, không tự nói được câu tiếng đôi (không tính câu bắt chước) khi được 24 tháng), không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói.
     
    - Các hành vi lặp lại và bất thường bao gồm:
     
    + Các hành vi rập khuôn với các vận động không có mục đích như vỗ tay, quay đầu hay đung đưa cơ thể.
     
    + Các hành vi cưỡng bức thường theo một quy tắc nào đó, ví dụ trẻ sắp xếp đồ chơi của chúng theo một đường thẳng (xem hình).
     
    + Các hành vi đơn điệu, thiếu sự đa dạng và chống lại sự thay đổi, ví dụ như trẻ không muốn đồ chơi của chúng bị dịch chuyển hay cưỡng lại sự can thiệp của người khác đối với việc chúng đang làm.
     
    + Các hành vi có tính nghi thức bao gồm các hoạt động giống hệt nhau thực hiện hàng ngày ở cùng một thời điểm như chỉ ăn cùng một thực đơn hay mặc một kiểu quần áo vẫn dùng hàng ngày.
     
    + Các hành vi tự gây tổn thương như tự đánh mình (một nghiên cứu tiến hành năm 2007 cho biết có tới 30% trẻ bị bệnh tự kỷ có hành vi này).
     
    Ngoài các triệu chứng chính nêu trên còn có thể có những triệu chứng khác của trẻ tự kỷ như khó ngủ, thường thức dậy vào ban đêm và dậy sớm; những hành vi ăn uống khác thường cũng thấy ở 3/4 số trẻ bị tự kỷ... 
     
    Các triệu chứng của bệnh tự kỷ hầu như phát sinh trước khi trẻ lên 3 tuổi. Trẻ bị bệnh tự kỷ thường không được chẩn đoán hoặc bị chẩn đoán sai vì nhiều bác sĩ lâm sàng thường hay ngại bàn luận với cha mẹ về việc con của họ có thể mắc phải chứng bệnh này ngay khi trẻ có dấu hiệu của bệnh. Các bác sĩ này thường không muốn gây căng thẳng và lo âu cho gia đình về những ảnh hưởng gây ra bởi việc xác định bệnh của con cái họ, nhất là nếu họ chẩn đoán sai.
     
    Cơ sở của bệnh tự kỷ là di truyền, tuy nhiên tính di truyền của tự kỷ thì phức tạp và cho đến nay người ta cũng chưa giải thích được nguyên nhân của nó là do mối tương tác gen hay do đột biến gen. Tính chất phức tạp càng lớn do những mối tương tác của nhiều gen, mối tương tác của gen với môi trường hay những yếu tố ngoại cảnh khác, những yếu tố này không làm biến đổi DNA nhưng có khả năng di truyền và có khả năng ảnh hưởng đến sự biểu thị gen.
     
     Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ. Gần đây, một số nhà khoa học cho rằng các bà mẹ mang thai đã bị tiếp xúc với hóa chất ô nhiễm, đặc biệt là kim loại và thuốc trừ sâu, sự tiếp xúc này làm biến đổi sự phát triển cấu trúc não của trẻ và dẫn đến tự kỷ.
     
    Những chất độc gây nguy cơ tự kỷ được liệt kê là:
     
    - Các hóa chất độc hại: hàng tá hóa chất trong môi trường là những chất độc thần kinh như thủy ngân, PCBs, chì, chất cháy chậm chứa brôm, thuốc trừ sâu, phthalate và phenol trong các sản phẩm plastic, rượu, thuốc lá… Con đường chủ yếu gây ô nhiễm các chất trên là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
     
     - Virus, vi khuẩn, nấm mốc và độc tố nấm mốc.
     
     - Trường điện từ gây ra không chỉ do điện thoại không dây và điện thoại di động mà còn do các phương tiện bằng điện khác.
     
     Cũng có ý kiến cho rằng vaccine cho trẻ cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên ý kiến này không được chấp nhận vì thiếu những bằng chứng thuyết phục (vaccine chứa thimerosal, một hợp chất thủy ngân dùng để tăng độ bền của vaccine, tuy nhiên chất này đã bị loại bỏ hầu như hoàn toàn từ năm 1999).
     
     Phương pháp để điều trị chứng tự kỷ thành công nhất là chương trình giáo dục sâu rộng và có hệ thống, bao gồm việc chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều phương pháp được xem là có hiệu quả. Tuy nhiên không có một phương pháp nào dành cho mọi đứa trẻ bị tự kỷ, mỗi đứa trẻ cần một phương pháp toàn diện, điều độ và nhất quán của các thầy thuốc, cha mẹ và gia đình.