Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng

 

Theo nội dung Chương trình, mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hoá, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...

 

Mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước. 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với cổng Dịch vụ công quốc gia. 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính… Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo vệ chủ quyền quốc gia về dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

 

Các nhiệm vụ ưu tiên trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường

 

Tại Mục 3.9 của Chương trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra các nhiệm vụ ưu tiên trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường như sau:

 

- Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường.

 

- Xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội.

 

- Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm quản lý toàn diện, hiệu quả, gồm: cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, tài nguyên nước, viễn thám, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản.

 

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.

 

- Xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường đến năm 2030.

 

- Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

- Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, quản lý chất thải, nguồn thải, cảnh báo sớm thiên tai.

 

- Thu hút nhân lực, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyên môn cao về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số; mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường

 

Để thực hiện thành công chuyển đổi số tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, cộng đồng, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, tham gia thực hiện, đóng góp vào chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác theo phương thức đối tác công tư, đầu tư theo quy định.

Bài viết liên quan

    Đổi mới sáng tạo trong ngành năng lượng sạch tại Việt Nam

    Sáng tạo & khởi nghiệp: Một xu thế chung

     

    Từ đầu những năm 2010, quá trình toàn cầu hoá của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ và rõ nét với những chính sách thúc đẩy và phát triển các xu thế mới cho kinh tế xã hội. Tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của những khái niệm về “khởi nghiệp” và “đổi mới sáng tạo” trong các ngành công nghệ, tài chính, giáo dục, nông nghiệp và du lịch. Song song với xu thế này là sự quan tâm ngày càng nhiều của các cơ quan và cá nhân đến biến đổi khí hậu, xuất phát từ những vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải và các hoạt động được đánh giá là thiếu bền vững cho sự phát triển của xã hội. Ra đời cùng với sự thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường chính là các dự án năng lượng tái tạo từ giữa những năm 2010. Cả hai dòng chảy thay đổi này hiện tại đang có sự rõ nét đáng kể hơn bao giờ hết.

     

    Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư năng lượng sạch cả về số lượng dự án, sản lượng điện sản xuất và nhận thức chung của cộng đồng. Vào năm 2019, năng lượng tái tạo (NLTT) đã trở thành chủ đề chính trong các diễn đàn đầu tư, khi số liệu dòng tiền từ các quỹ tư nhân đầu tư vào ngành này vượt cao hơn các lĩnh vực phổ biến như thương mại điện tử, dược phẩm, chỉ xếp sau công nghệ tài chính và giáo dục. Năm 2020, thị trường đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam bùng nổ với con số 7.4 tỉ USD, cao hơn Pháp và Đức, lọt vào top 10 các quốc gia sử dụng năng lượng sạch nhiều nhất thế giới với công suất tích luỹ hơn 16.6 GW.

    Chuyển đổi số toàn diện ngành tài nguyên và môi trường

    Thời gian qua, ngành TN&MT đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.