Thời gian qua, ngành TN&MT đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã chủ động linh hoạt đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2021 là năm Bộ TN&MT đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử. Vì vậy, chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Bộ tăng liên tục 11 bậc, từ thứ 16 năm 2019 lên thứ 5 năm 2020, trong đó chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính luôn ở mức cao; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index) tăng 6 bậc từ thứ 18 lên thứ 12.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hóa xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ đã triển khai 100% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ soạn thảo, trình, kiểm soát cho đến ban hành.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT Lê Phú Hà, đến nay, Bộ TN&MT đã cơ bản hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến gồm 108 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Cùng với đó, Bộ TN&MT đã tích hợp, cung cấp 40 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến; phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và một số bộ, ngành xây dựng các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên hợp quốc và triển khai thử nghiệm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: vận hành, cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Đặc biệt, trong các buổi giao ban định kỳ tháng, quý, năm, Bộ TN&MT đều có báo cáo riêng về Chính phủ điện tử, đánh giá từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT theo phương châm “4 không, 1 có” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt. Có số hóa thông tin, dữ liệu).
Ngoài ra, nhiều cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được Bộ thực hiện trong năm 2021 đem lại hiệu quả cao như: triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; cơ sở dữ liệu liên ngành Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tại Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một số Sở TN&MT đã xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số...
Sáng tạo & khởi nghiệp: Một xu thế chung
Từ đầu những năm 2010, quá trình toàn cầu hoá của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ và rõ nét với những chính sách thúc đẩy và phát triển các xu thế mới cho kinh tế xã hội. Tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của những khái niệm về “khởi nghiệp” và “đổi mới sáng tạo” trong các ngành công nghệ, tài chính, giáo dục, nông nghiệp và du lịch. Song song với xu thế này là sự quan tâm ngày càng nhiều của các cơ quan và cá nhân đến biến đổi khí hậu, xuất phát từ những vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải và các hoạt động được đánh giá là thiếu bền vững cho sự phát triển của xã hội. Ra đời cùng với sự thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường chính là các dự án năng lượng tái tạo từ giữa những năm 2010. Cả hai dòng chảy thay đổi này hiện tại đang có sự rõ nét đáng kể hơn bao giờ hết.
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư năng lượng sạch cả về số lượng dự án, sản lượng điện sản xuất và nhận thức chung của cộng đồng. Vào năm 2019, năng lượng tái tạo (NLTT) đã trở thành chủ đề chính trong các diễn đàn đầu tư, khi số liệu dòng tiền từ các quỹ tư nhân đầu tư vào ngành này vượt cao hơn các lĩnh vực phổ biến như thương mại điện tử, dược phẩm, chỉ xếp sau công nghệ tài chính và giáo dục. Năm 2020, thị trường đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam bùng nổ với con số 7.4 tỉ USD, cao hơn Pháp và Đức, lọt vào top 10 các quốc gia sử dụng năng lượng sạch nhiều nhất thế giới với công suất tích luỹ hơn 16.6 GW.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Bản quyền thuộc về Gtel