Phượng Hoàng là tên một cổ trấn của Trung Quốc nằm tại huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam (Hunan). Nó cách địa cấp thị Trương Gia Giới khoảng 280 km. Cũng như nhiều cổ trấn trứ danh khác của đất nước Trung Hoa, địa danh này được bảo tồn rất tốt cả về giá trị lịch sử và văn hóa và bảo lưu những giá trị của dân tộc ít người: Thành phố Trương Gia Giới thuộc phía bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cách Hà Nội khoảng hơn 1.000 km.
Sự pha trộn về cơ cấu dân cư cũng như là nơi cư trú của bộ phận dân tộc thiểu số, nhiều nhất vẫn là người Miêu, Hán, Thổ Gia, Hồi. Phượng Hoàng trấn còn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của cả vùng. Nằm cạnh con sông Đà Giang, thành cổ còn lưu giữ nhiều thành quách, những dãy phố, những căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa. Số tuổi của nó đã khiến cho Phượng Hoàng trở thành một trong những bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc: 1300 năm.
Tại cổ trấn, du khách có thể tìm rất dễ dàng nhưng sinh hoạt rất đời thường của các dân tộc. Một vài người Miêu bên mẹt hàng nhỏ thêu thùa khâu vá hay làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng bạc rất khéo léo. Hay gặp người Hán đi lang thang bán cho du khách những chiếc vòng hoa đeo cổ, đội đầu xinh xinh. Hoặc người Thổ Gia làm đèn hoa bằng giấy với nhụy là một cây nến nhỏ, để ai đó có thể đốt lên ước mơ của mình và thả xuống dòng sông. Con sông Đà Giang chảy qua cổ trấn không quá sâu, đáy sông có nhiều tảo và rêu tạo cho mặt nước một màu xanh lục. Điểm thú vị ở chỗ dân trong thành thường ra bờ sông để tắm táp, giặt giũ, rửa rau, hoa quả trước khi đem bán ngoài chợ hoặc quanh phố cổ dù trong nhà cũng có phòng tắm riêng. Có hệ thống dẫn nước, có máy giặt nhưng chỉ dùng để vắt đồ. Và dường như tắm sông vào mỗi sáng hay mỗi chiều đã trở thành một nghi thức quen thuộc của người dân địa phương chốn này.
Từ cây cầu lớn nối hai bờ sông Đà Giang dành cho xe cơ giới, Phượng Hoàng cổ trấn trải dài ngút tầm mắt với những mái ngói cổ âm dương dày dặn xám như đá tai mèo. Những phù điêu trên đầu mái cong vút một cách kiêu hãnh, như một niềm tự hào sâu sắc về một cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm.
Những cảnh đẹp nổi tiếng tại Phượng Hoàng cổ trấn như:
- Bắc Môn cổ thành
- Hồng kiều
- Lầu Phong Thúy Hồng Kiều
- Cây cầu đá bắc qua sông Đà Giang
Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Phượng Hoàng Cổ Trấn
Mùa cao điểm du lịch tại đây từ khoảng tháng 5 tới tháng 11. Mùa đông sẽ khá vắng khách du lịch do thời tiết rất lạnh giá. Tuy nhiên thời điểm này giá phòng khách sạn sẽ rất rẻ.
Bạn cũng nên lưu ý, không nên du lịch Trung Quốc nói chung cũng như Phượng Hoàng Cổ Trấn nói riêng vào tuần đầu tháng 5 (dịp Quốc tế Lao động), tuần đầu tháng 10 (dịp Quốc khánh Trung Quốc), dịp Tết Trung thu.
Tới Phượng Hoàng Cổ Trấn như thế nào?
Hiện tại, từ Việt Nam đã có đường bay thẳng tới thành phố Trương Gia Giới. Vì thế bạn có thể lựa chọn các cách di chuyển như sau:
+ Bay thẳng : Hà Nội - Trường Sa, Tỉnh Hồ Nam
- Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể lựa chọn đi bằng đường bộ theo lộ trình:
+ Hà Nội – Nam Ninh (đi tàu liên vận quốc tế)
+ Nam Ninh – Trương Gia Giới (đi tàu nội địa)
+ Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn (đi xe buýt)
+ Phượng Hoàng Cổ Trấn – Hoài Hóa (đi xe dịch vụ)
+ Hoài Hóa – Nam Ninh (đi tàu nội địa)
+ Nam Ninh – Hà Nội (đi tàu liên vận quốc tế)
- Bạn cũng có thể lựa chọn phương tiện máy bay để tiết kiệm thời gian và thoải mái hơn, không phải trải qua nhiều chặng như đi tàu. Với phương tiện máy bay, các du khách có thể đặt vé máy bay đi Quảng Châu, tham quan, nghỉ ngơi ở Quảng Châu, sau đó chuyển tiếp chuyến bay tới Trương Gia Giới tham quan và khám phá và tiếp tục di chuyển bằng ô tô tới Phượng Hoàng Cổ Trấn. Hiện tại, từ Việt Nam bạn có thể đặt vé máy bay của Vietnam Airlines cho các hành trình đi Quảng Châu. Ngoài ra, kể từ tháng 12/2016, Jetstar Pacific cũng sẽ chính thức khai trương đường bay mới đi Quảng Châu từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Một số lưu ý khi du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn
- Thời điểm tháng 11 ở Trung Quốc thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Vì thế bạn nên mang theo áo ấm, khăn quàng đầy đủ.
- Do quá trình đi lại, tham quan sẽ phải đi bộ tương đối nhiều nên bạn hãy mang theo hành lý gọn nhẹ, giầy dép ma sát tốt, êm chân.
- Theo kinh nghiệm của một số khách du lịch, đồ ăn ở Phượng Hoàng Cổ Trấn cũng như Trương Gia Giới không phù hợp lắm với người Việt Nam. Vì thế bạn nên chuẩn bị thêm đồ ăn khô như bánh mỳ, xúc xích, bánh quy, mỳ gói… để “nạp năng lượng” khi cần thiết.