Chuyển đổi số ngành năng lượng và bí quyết thành công

Cùng với cả nước chống dịch, phục hồi kinh tế, ngành năng lượng còn nhiệm vụ kép là chuyển dịch năng lượng để tiến tới trung hòa carbon. Trong đó mục tiêu chuyển đổi số được xem là không thể thiếu. Tổng hợp dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giúp chúng ta hiểu thêm về xu hướng công nghệ mới đang thịnh hành.

Lý do chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng?

 

Theo Red Hat, Inc. (RHI) - Công ty cung ứng phần mềm Mỹ, chuyển đổi số (Digital Transformation) là thuật ngữ được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần. Đây là xu hướng được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu vì nó đóng vai trò quan trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Chuyển đổi số là thuật ngữ tiếng Anh (Digital Transformation) được áp dụng ở từng lĩnh vực khác nhau nên không có một định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu, thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

 

Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

 

Cũng cần phân biệt giữa Digitization (số hóa) với chuyển đổi số (Digital Transformation). Thực chất digitization hay digitalization là một phần của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nó mở ra nhiều tiềm năng hơn cho các doanh nghiệp bằng cách cho phép họ mở rộng quy mô hiệu quả, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí tối ưu hơn. Vì vậy, bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian và rất nhiều lợi ích hữu, vô hình khác.

 

Ý nghĩa của chuyển đổi số có thể tóm tắt như sau: Nó cung cấp thông tin chi tiết từ dữ liệu, duy trì tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng cường liên kết giữa các phân ban công tác trong cùng đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.

 

Ngành năng lượng Việt Nam với chương trình chuyển đổi số:

 

Tại Việt Nam, khái niệm ‘chuyển đổi số’ thường được hiểu theo nghĩa thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud) v.v… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

 

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, năng lượng là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả. Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng”.

 

Việt Nam đã phê duyệt lộ trình lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện. Trong đó, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện. Việt Nam đã chủ động triển khai các công nghệ tự động hóa nhằm tích hợp số lượng lớn các nguồn điện tái tạo không điều khiển được như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, các nhà máy điện đã, đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng. Quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện, nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Việt Nam đã ban hành lộ trình phát triển thị trường điện theo 3 cấp độ nhằm lần lượt tự do hóa khâu phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện.

 

Bí quyết chuyển đổi số thành công:

 

Xác định mục tiêu rõ ràng:

 

Thành công chỉ đến khi những câu hỏi cụ thể được trả lời rõ ràng như mục tiêu của quá trình chuyển đổi số là gì? Làm gì để tăng thêm doanh thu, tiết kiệm chi phí hoặc bán cho khách hàng? Sự chuyển đổi của doanh nghiệp sẽ hướng đến đâu trong tương lai?

 

Khi giải quyết những câu hỏi này, chúng ta cần xây dựng chiến lược kinh doanh số bằng cách liên kết tổ chức rộng rãi; xem lại công việc kinh doanh trong thời đại kỹ thuật số; xác định quản trị và ưu tiên cho cách thức doanh nghiệp sẽ cân bằng các mục tiêu chuyển đổi; tạo một chiến lược truyền thông hấp dẫn để bán câu chuyện chuyển đổi cho tổ chức; xác định rõ ràng tốc độ chấp nhận và mức độ rủi ro - tài chính, quy định, danh tiếng mà doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện hành trình này.

 

Thành lập Phân ban chuyển đổi số và đổi mới (CDIO):

 

Phân ban chuyển đổi số và đổi mới là đơn vị điều hành và tích hợp quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. CDIO đóng vai trò là đơn vị nòng cốt để ra quyết định cho các tình huống khó khăn và phức tạp liên quan đến việc sắp xếp các bộ phận, giải quyết xung đột và điều phối việc triển khai các sáng kiến ​​và khả năng kỹ thuật số. CDIO giúp tích hợp đầy đủ công nghệ với doanh nghiệp và giải quyết các khoảng cách hiệu suất trong và giữa các đơn vị kinh doanh khác nhau trong cùng một doanh nghiệp.

 

Coi chiến lược số như một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh chung:

 

Chuyển đổi số thiên về chiến lược và tư duy, hay sáng tạo nhiều hơn là công nghệ. Nó giúp các tổ chức phát triển hoạt động của họ và đóng góp vào sự phát triển của chính doanh nghiệp. Chuyển đổi số là một hành trình dài - các mục tiêu và chỉ số mục tiêu sẽ tiếp tục thay đổi và biến động liên tục. Để đảm bảo thành công, cần có cái nhìn đơn giản nhưng hợp nhất về sáng kiến ​​kỹ thuật số hay tính sáng tạo. Lấy chỉ số hiệu suất (KPI) làm thước đo.

 

Ngoài ra, cũng nên dùng thời gian thực để giám sát, xác định cách thức quản trị để phản ánh nhu cầu các sáng kiến ​​cụ thể.

 

Sử dụng lực lượng lao động hợp lý, hiệu quả:

 

Cần đào tạo đủ lực lượng lao động hoặc đào tạo thêm nhân lực hiện có cho chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Tạo môi trường an toàn về mặt tâm lý cho lực lượng lao động và minh bạch về những thay đổi liên quan. Điều quan trọng là phải điều phối công việc theo cấu trúc thứ bậc hợp lý, không gây bất ngờ cho lực lượng lao động và các thành viên ban chấp hành với những thay đổi ngoài kế hoạch.

 

Thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy và chuẩn bị lực lượng lao động để đối phó với sự thay đổi một cách hiệu quả. Điều này có thể được kích hoạt bằng cách đào tạo, nâng cao chuyên môn cho lực lượng lao động hiện có, đối xử với họ tốt sẽ giúp giữ chân được những người tài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

 

Bảo mật - yếu tố thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số thành công:

 

Theo dự báo của Công ty tư vấn Mỹ Gartner, Inc: Năm 2020 có khoảng 60% doanh nghiệp bị thiệt hại do bảo mật quản lý kỹ thuật số không đúng quy trình. Thế giới đã chuyển sang sự hiện diện ảo nên các công ty đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến kỹ thuật số.

 

Kinh tế phát triển, khách hàng cần hiểu biết nhiều hơn về công nghệ, cần tuân thủ và ưu tiên bảo mật. Để doanh nghiệp thành công trong hành trình chuyển đổi số, vấn đề bảo mật không thể đi sau được. Bảo mật phải là một yếu tố cơ bản của quá trình thiết kế và điều hành mạng lưới kỹ thuật số. Làm tốt vấn đề này không chỉ giúp giảm chi phí không cần thiết mà còn tăng hiệu quả cho công ty và giảm thiểu nhu cầu thiết kế lại các giải pháp, quy trình sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp.

 

Hãy xem dữ liệu là tài sản:

 

Theo RHI, dữ liệu là đơn vị tiền tệ mới của các doanh nghiệp kỹ thuật số. Lý do, mọi tổ chức cần đầu tư nguồn lực để tạo ra dữ liệu, nó được chia sẻ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp để quản lý tạo ra giá trị trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Khai thác và quản lý dữ liệu tốt sẽ hỗ trợ trong hoạt động của công ty. Cụ thể là giúp xác định các mô hình ẩn và thiết lập một khuôn khổ để nắm bắt xu hướng vào nhiều chức năng và bối cảnh trong tổ chức; hướng tới khách hàng có thể sử dụng thông tin từ dữ liệu để tăng thêm khách hàng và giữ chân khách hàng truyền thống. Ngoài ra, dữ liệu còn giúp đầu tư nguồn lực, tạo sản phẩm và các cơ hội tạo giá trị trong tương lai.

Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực đang phát triển sôi động nhưng lại nhiều ràng buộc. Những tiến bộ đang tăng lên với tốc độ chưa từng có. Để bắt kịp xu hướng hiện tại và bước tiếp trên con đường chuyển đổi kỹ thuật số, doanh nghiệp cần tận dụng sức mạnh của các công nghệ mới nổi như IoT, Cloud, Big Data, PWA và Wearables. Những lĩnh vực này rất quan trọng vì ngày nay mọi người thích thử nghiệm với các công nghệ mới. Mặc dù mang lại sự phấn khích, nhưng nó cũng còn mang lại hình ảnh tích cực cho khán giả, rằng doanh nghiệp của bạn đang đi đầu trong các tiến bộ công nghệ./.