Tin tức

Truyền thông dự án - “ván bài” của doanh nghiệp bất động sản?

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, người mua nhà ngày càng khó tính, muốn bán hàng thành công, bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có phương án truyền thông dự án hiệu quả.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và quy mô lan rộng của Internet như hiện nay, công tác truyền thông đã trở thành “mũi nhọn" chiến lược mới của các doanh nghiệp trong việc tạo dựng uy tín và hình ảnh thương hiệu. Trong xu hướng công nghệ 4.0, ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Theo khảo sát của Vietnam Report, bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, các khách hàng dần tiếp cận các thông tin bất động sản qua mạng và Internet nhiều hơn. Hơn 50% khách hàng được hỏi cho biết họ tìm kiếm thông tin trên các chuyên trang về nhà đất qua Internet  và các diễn đàn trên mạng, mạng xã hội.

Dữ liệu mã hóa truyền thông trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng cùng một số chuyên trang về bất động sản, vật liệu xây dựng trong khoảng thời gian từ 1/2017 đến tháng 1/2018 do Vietnam Report thực hiện cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tập trung làm truyền thông hơn với các bài viết trên 10 nhóm chủ đề hay được đề cập đến nhất, trải rộng từ chất lượng sản phẩm, dự án; tài chính/kết quả kinh doanh; chứng khoán; hình ảnh/PR; đầu tư; chiến lược kinh doanh/M&A; khách hàng/quan hệ khách hàng; nghiên cứu phát triển (R&D); vị thế trên thị trường; giá cả.

Từ khảo sát khách hàng của Vietnam Report, uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là một trong top 3 lý do khách hàng chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng. Trong đó, 3 yếu tố quyết định là doanh nghiệp liên tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau (70%), xuất hiện những đánh giá tích cực về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (67,5%) và xuất hiện nhiều bài báo đánh giá tốt về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp (55%).

A

Muốn bán hàng thành công, bên cạnh tạo ra sản phẩm chất lượng thì doanh nghiệp bất động sản phải có phương án truyền thông dự án hiệu quả (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông chủ yếu vẫn thuộc về nhóm chủ đầu tư lớn. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn tuy chưa tập trung nhiều, nhưng trong vài năm gần đây cũng đã đầu tư hơn cho công tác truyền thông. Trong số hàng nghìn giao dịch bất động sản trên thị trường, bên cạnh thương hiệu của doanh nghiệp cũng như chất lượng sản phẩm, còn có sự đóng góp không nhỏ của độ phủ sóng truyền thông, giúp dự án đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp “chạy” truyền thông một cách quá đà, bất chấp hậu quả và những rủi ro có thể đến với khách hàng, dẫn đến tình trạng khi về nhận sản phẩm, khách hàng bị vỡ mộng, thậm chí xảy ra tranh chấp, gây tác dụng ngược cho chiến dịch truyền thông. 

Giới chuyên gia nhận định, trong tương lai, sự “va chạm” giữa doanh nghiệp với công nghệ 4.0 sẽ dần thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Doanh nghiệp phải trở nên đa năng hơn, hiện đại hơn. Những doanh nghiệp trước đây chỉ phụ trách một mảng thì nay hoàn toàn có thể tính đến phát triển mình ở những lĩnh vực khác để sinh lời nhiều hơn, với sự hỗ trợ từ công nghệ, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn như sự xuất hiện của mô hình D&B (thiết kế và thi công) tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Dưới áp lực cạnh tranh gia tăng cả trong nước và quốc tế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ dần bị loại bỏ. Để có thể trụ vững trên thị trường, các chủ đầu tư bắt buộc phải chứng minh năng lực thực sự, các nhà thầu xây dựng cũng cần liên tục cải thiện chất lượng, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong các dự án, công trình. Bởi khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thông tin công bố trên thị trường ngày càng minh bạch và có tính thời sự, các chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ngày càng quan tâm đến sự bền vững và lâu dài của các dự án, công trình xây dựng.

Các chuyên gia nhận định trong thời gian qua, chất lượng sản phẩm đầu ra đã được nâng cao, theo xu hướng tốt lên, chất lượng của nhà đầu tư, nhà quản lý, các nhà thầu, công nghệ, thiết bị xây dựng và cái tâm của người làm nghề đều được thể hiện rõ nét. Đứng trên góc độ các doanh nghiệp, chất lượng công trình, năng lực tài chính, tầm nhìn thương hiệu dài hạn là 3 mục tiêu doanh nghiệp đánh giá quan trọng nhằm giữ vững vị thế và nâng cao uy tín của mình.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là khả năng “làm chủ thông tin”. Điều này có nghĩa là các thông tin đưa ra từ phía doanh nghiệp (báo cáo doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp) sẽ được đánh giá gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của doanh nghiệp, tác động đến nhận thức của khách hàng.