Theo tính toán, tổng lượng nước về trong giai đoạn mùa mưa năm nay trên nhánh sông Đà thiếu hụt khoảng 15 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm. Nếu tiếp tục không có lũ về, khả năng các nhà máy thuỷ điện miền Bắc (như Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) sẽ phải xả trên 5 tỷ m3 nước xuống hạ du mới có thể đảm bảo nước cho gieo trồng vụ Đông Xuân tới đây ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý…
Lượng nước về các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đà trong mùa mưa năm nay chỉ bằng khoảng 60 – 70% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt các lưu vực giữa của hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ bằng 20 – 60% so với trung bình nhiều năm.
Hình ảnh hồ thủy điện trên sông Đà
Theo ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình, đến ngày 2/11/2021, mức nước hồ Hòa Bình đang thiếu khoảng 6,1m so với mức nước dâng bình thường (tương ứng 1,2 tỷ m3 nước, quy đổi khoảng 250 triệu kWh). Điều này sẽ rất khó khăn cho giai đoạn cuối mùa khô năm nay, cũng như việc chuẩn bị nước cho công tác phát điện, cấp nước chống hạn trong mùa khô năm 2022.
“Công ty Thủy điện Hòa Bình hiện đang phải giải quyết hai nhiệm vụ: đảm bảo tích nước hồ lên cao nhất có thể để chuẩn bị cho năm sau và đảm bảo chạy máy nhằm duy trì dòng chảy tối thiểu cho hạ du. Khi xả nước xuống, không chỉ đảm bảo nước cho nhà máy nước sông Đà, mà cả các nhu cầu sinh hoạt khác và giao thông đường thủy phía hạ du”, ông Nguyễn Văn Minh cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả mùa mưa này, khu vực miền Bắc hầu như không có lũ về. Các hồ thuỷ điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát trên lưu vực sông Đà hiện cũng chỉ tích được khoảng 60% dung tích hữu ích. Dù vậy, nguồn nước này đang phục vụ đa mục tiêu, từ đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ, cấp nước xuống hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân cho đến đảm bảo cấp điện mùa khô và “phủ đỉnh”, giữ an toàn cho hệ thống điện.
Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết: “EVN đã gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ chỉ đạo các địa phương chủ động xem xét nhu cầu mùa vụ, giống cây trồng để chuẩn bị tốt nhất cho các đợt đổ ải vụ Đông Xuân 2021-2022 với diện tích khoảng 600.000 ha. Cùng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, thì an ninh năng lượng cũng rất quan trọng. Đồng thời, vừa phải đảm bảo an ninh nguồn nước”.
Trở lại với thực tế của hồ Thuỷ điện Hoà Bình, vừa thực hiện tích nước trong tình hình không có lũ, vừa xả nước về hạ du thông qua phát điện với lưu lượng chạy máy tối thiểu 600-700m3/s trong 2 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cho biết: “Cũng trên tinh thần như chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công ty đề nghị ngành Nông nghiệp cần cải tạo hệ thống thủy lợi, lấy nước trong mùa khô năm tới, khi hồ Hoà Bình chỉ duy trì chạy máy tối thiểu. Đối với Nhà máy nước sông Đà, kiến nghị các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Hòa Bình, TP. Hà Nội cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để nhà máy lấy nước không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ Hoà Bình”.
Trong bối cảnh 10 tháng vừa qua không xuất hiện lũ lớn trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp. Ngày 08/10/2021, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng nguồn nước của Việt Nam nói chung, lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ nói riêng còn thiếu hiệu quả. Trong đó, khoảng 5 tỷ m3 nước được xả ra hàng năm từ các hồ chứa thuỷ điện phục vụ gieo cấy, có đến hơn nửa trong số này đã chảy ra biển do thiếu hệ thống tích trữ, hệ thống thuỷ nông, công trình thuỷ lợi chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế.