Tin tức sự kiện

Trung Quốc tiếp tục nâng thuế xuất khẩu sắt thép từ 1/8
Bắt đầu từ hôm nay, 1/8/2021, Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu đối với gang thép lên mức cao mới, đồng thời loại bỏ việc giảm thuế xuất khẩu đối với 23 sản phẩm thép nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kiểm soát sản lượng để hạn chế khí phát thải.
Đây là lần điều chỉnh thuế sắt thép thứ 2 trong vòng 3 tháng trở lại đây, trong bối cảnh giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải đã tăng lần lượt 32% và 37% từ đầu năm đến nay.
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 29/7 thông báo, từ ngày 1/8, thuế xuất khẩu đối với gang có độ tinh khiết cao được nâng lên 20%, từ mức 15% trước đó; đối với ferrochrome tăng lên 40%, từ mức 20% hiện nay. Bên cạnh đó, chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 23 sản phẩm cũng bị hủy bỏ, bao gồm một số loại thép cán nguội và thép silic có giá trị gia tăng cao hơn so với thép carbon. Mục đích của động thái này “nhằm thúc đẩy việc nâng cấp và phát triển ngành thép theo hướng chất lượng cao”, theo thông tin của Bộ trên.
Tháng 5/2021, nước này đã điều chỉnh thuế quan đối với một số sản phẩm sắt thép, theo đó xóa bỏ các khoản giảm thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm thép, tăng thuế xuất khẩu gang và sắt, và miễn một số thuế nhập khẩu tạm thời. Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước khi cắt giảm sản lượng để giảm lượng khí thải carbon.
Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ Trung Quốc đã cử các đoàn thanh tra đến các tỉnh để kiểm tra hiệu quả cắt giảm công suất thép. Tỉnh Giang Tây cho biết sẽ "hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ giảm sản lượng do nhà nước ban hành."
Tuy nhiên, do nhu cầu và giá thép vẫn duy trì cao bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu, xuất khẩu các sản phẩm thép của nước này đã tăng 23% trong tháng 6, sau khi giảm 34% trong tháng 5.
Sản lượng thép Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 11,8%, lên 563,33 triệu tấn, khiến cho cam kết giữ sản luộng thép năm nay bằng mức năm ngoái trở nên khó khăn. Mặc dù sản lượng tăng, song ông Tang Chuanlin, nhà phân tích của CITIC Securities, cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung thép sẽ vẫn tiếp diễn trong nửa cuối năm nay. Theo ông Tang: “Mặc dù xem xét dòng chảy ngược của các sản phẩm xuất khẩu, ngành công nghiệp này vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 5%”.
Rohan Kendall, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quặng sắt của Wood Mackenzie cho biết: “Chính phủ (Trung Quốc) đã đưa ra các chính sách liên quan đến nguồn cung để kiểm soát sản lượng thép, nhưng phần lớn đã không thành công”. Theo ông Kendall: “Để sản lượng thép chậm lại, cần phải xem các chính sách giúp giảm nhiệt từ nhu cầu thép”.
Ông Kendall cho rằng xuất thép của Trung Quốc sẽ giảm xuống vào nửa cuối năm, sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm. Lý do bởi đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ tăng đó đã chậm lại so với mức tăng trưởng 18,3% của 5 tháng đầu năm.
Cơ quan thống kê nước này cũng cho biết đầu tư vào sản xuất tăng 19,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trong tháng 6 đã chậm lại
do nhu cầu xuất khẩu suy yếu trong khi nguồn cung bị tắc nghẽn. Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm nhẹ xuống 50,9 trong tháng 6, từ mức 51,0 trong tháng 5. Bên cạnh đó, việc các đơn đặt hàng mới mà các nhà cung cấp dịch vụ nhận được đã giảm xuống 49,5 trong tháng 6 so với 52,0 trong tháng 5, phản ánh nhu cầu thị trường hạ nhiệt nhanh chóng. Các chỉ mục theo dõi vận chuyển hàng không, dịch vụ ăn uống và lưu trú cũng có dấu hiệu giảm.
Trung Quốc là nước sản xuất thép hàng đầu thế giới, mỗi động thái chính sách của nước này đều ảnh hưởng đến thị trường thép toàn cầu.
Do việc Trung Quốc liên tục đưa ra những biện pháp siết chặt sản xuất thép và hạ nhiệt giá những mặt hàng này, giá quặng sắt Trung Quốc tháng 7 đã quay đầu giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020, quặng sắt nhập khẩu vào thị trường này cũng lao dốc xuống dưới ngưỡng 200 USD/tấn lần đầu tiên kể từ 28/5/2020, bởi các nhà máy thép không thể sản xuất với công suất mong muốn.
Trong tuần qua, giá quặng sắt liên tục giảm. Phiên 30/7, quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên giảm mạnh, mất 8,1%, xuống 1.027 nhân dân tệ (158,95 USD)/tấn, tính chung cả tháng 7 cũng giảm 8%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020. Giá quặng sắt trên sàn Singapore phiên này cũng giảm 7,7% xuống 175,95 USD/tấn, giảm 16% trong vòng một tháng; Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc, kết thúc tháng 7 ở mức dưới 200 USD/tấn lần đầu tiên kể từ ngày 28/5, xuống 195 USD/tấn, tính chung cả tháng giảm 9%, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.
trung quoc tang thue xuat khau thep

                                             Hình ảnh minh họa


Trái với quặng sắt, giá thép tháng 7 tăng mạnh do lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt sản xuất thép.
Liên tiếp tăng trong mấy phiên cuối tháng, đến phiên 30/7, giá thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 5.705 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng (HRC), dùng trong sản xuất, tăng 3,1% lên 6.120 CNY/tấn; thép không gỉ cũng tăng 3,1% lên 20.065 CNY/tấn.
Tính chung trong tháng 7, giá thép thanh vằn tăng 12%, thép HRC tăng 14%; và đặc biệt, thép không gỉ tăng tới 20%, mức tăng nhiều nhất kể từ khi hợp đồng đầu được giao dịch trên sàn Thượng Hải năm 2019.

Nguồn: VITIC / Reuters