Nhiều cha mẹ lo lắng về việc con khóc, biếng ăn, hay ốm khi học mẫu giáo. Thậm chí, nhiều bé mới đi học vài ngày đã nghỉ ốm cả tuần, trở thành nỗi ám ảnh với cả gia đình.
Theo nghiên cứu và thống kê, trẻ đi mẫu giáo trước 2,5 tuổi bị bệnh hô hấp và viêm tai nhiều hơn các em bé được chăm sóc ở nhà. Trường học và nhà là hai môi trường sống khác nhau hoàn toàn. Khi đến trường, bé được tiếp xúc với nhiều bạn, dùng chung đồ dùng cá nhân như chăn, gối hoặc đồ chơi có thể bị lây bệnh dễ dàng. Chị Phạm Kiều Trang (25 tuổi, Hà Nội), mẹ của bé Táo (15 tháng tuổi) chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp bé hạn chế ốm khi đi học mầm mon.
Cha mẹ hãy đảm bảo con được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Cha mẹ và nhà trường cũng nên thống nhất tiêm đủ các mũi bắt buộc mới được đến trường để hạn chế nguy cơ mắc, lây bệnh cho các bé khác.
Trẻ từ 1-3 tuổi cần ngủ khoảng 13-14 tiếng/ngày, trẻ từ 3-6 tuổi cần khoảng 11-12 tiếng/ngày. Ngoài thời gian ngủ ở trường (thường 2-2,5 tiếng), cha mẹ cần đảm bảo ở nhà con ngủ khoảng 11 tiếng với trẻ 1-3 tuổi, 9 tiếng với trẻ 3-6 tuổi.
Nếu con thức dậy vào 7h, buổi tối trẻ 1-3 tuổi nên đi ngủ khi 20h-21h, trẻ 3-6 tuổi ngủ khi 21h-22h. Nhiều bé thường thức quá muộn vào buổi tối, điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh được, chủ yếu do phụ huynh sắp xếp.
Cả nhà hãy cùng nhau áp dụng rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, vệ sinh cho bé, đi từ bên ngoài về nhà.
Cha mẹ nên yêu cầu nhà trường thực hiện việc rửa tay cho các bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Phụ huynh cũng cần yêu cầu giáo viên của con rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ hay dọn dẹp phòng học. Thói quen này của cô cũng giúp làm giảm nguy cơ bị ốm cho trẻ rất nhiều.
Mẹ nên hướng dẫn bé không dụi mắt, dụi mũi bằng tay mà sử dụng khăn giấy. Tay người có hàng nghìn vi trùng nếu không được rửa sạch. Khi bé chạm mắt và mũi, tạo điều kiện cho chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Mẹ có thể dạy bé thói quen dùng khuỷu tay che miệng khi hắt xì hơi và ho hoặc dùng khăn giấy.
Trẻ em cần được vận động ít nhất là 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất. Vận động không chỉ giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, phát triển mà còn ăn ngủ tốt hơn, tăng cường sức đề kháng. Vì thế, nếu ở trường các hoạt động vận động, thể chất, vui chơi không được chú trọng thì bố mẹ phải bù đắp khoảng trống này bằng cách cho bé vận động đi bộ, đi xe thăng bằng... vào buổi chiều sau khi ở trường về.
Nhà trường và phụ huynh nên thống nhất tăng cường thời gian vận động, hoạt động ngoài trời của trẻ nếu thời tiết không quá nóng, quá lạnh. Việc ra ngoài trời thường xuyên, hít thở không khí và thích ứng với nhiệt độ ngoài trời là cách rất tốt để tăng cường sức khỏe cho trẻ.
- Yêu cầu nhà trường và các phụ huynh khác không để trẻ đi học nếu ốm, sốt, viêm, tiêu chảy, mắc các bệnh dễ lây. Việc chăm sóc ở nhà giúp bé nhanh khỏi hơn và cũng hạn chế lây bệnh cho các bé khác trong lớp.
- Yêu cầu nhà trường đảm bảo không chung thìa, chung khăn mặt giữa các bé trong lớp, mỗi bé 1 khăn và 1 thìa ăn riêng. Nếu các cô giáo lau mặt cho các bé cùng một khăn hoặc ăn chung thìa, gia đình nên cân nhắc vì tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao giữa các trẻ với nhau.
Mỗi lần ốm là một cơ hội tập dượt để nâng cao sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ, trung bình trẻ sẽ ốm 8-12 lần/năm. Việc cha mẹ chăm sóc con đúng cách khi con bị ốm, giảm sử dụng thuốc không cần thiết, cho cơ thể bé có cơ hội chiến đấu và tăng cường sức đề kháng cũng là cách để giúp trẻ ít ốm hơn khi đi học.